Sunday, December 31, 2000

Thục địa

Địa hoàng có tên khoa học: Rehmannia glutinosa (Gaertn). Họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae). Sinh địa là thân rễ phơi hay sấy khô của cây địa hoàng; còn thục địa được chế biến từ sinh địa theo dạng đồ, nấu chín. Thục địa được xem là thuốc chủ yếu để bổ thận.

Những công dụng bổ thận

Theo GS.TS. Đỗ Tất Lợi, sinh địa và thục địa đều là thần dược (thuốc quý rất tốt) để chữa bệnh về huyết, nhưng sinh địa thì mát huyết, người nào huyết nhiệt nên dùng, thục địa ôn và bổ thận, người huyết suy nên dùng.

Cũng theo GS.TS. Đỗ Tất Lợi, thục địa bổ tinh tủy, nuôi can thận, sáng tai mắt, đen râu tóc là thuốc tư dưỡng, cường tráng. Những người thần trí lo nghĩ hại huyết, túng dục hao tinh nên dùng thục địa.

thuc dia

Theo tài liệu cổ, thục địa vị ngọt, tính hơi ôn vào 3 kinh: Tâm, Can, Thận. Có tác dụng nuôi thận, dưỡng âm, bổ thận, làm đen râu tóc, kinh nguyệt không đều, tiêu khát, âm hư, ho suyễn.

Y học hiện đại nhận thấy, địa hoàng (sinh địa, thục địa) có tác dụng: hạ đường huyết, làm mạnh tim, hạ huyết áp, bảo vệ gan, lợi tiểu, cầm máu và tác dụng lên một số vi trùng nên có tác dụng kháng viêm...

Ở y học cổ truyền, thục địa là vị thuốc chủ yếu để bổ Thận, thuốc tốt nhất để dưỡng âm. Thục địa là thuốc vị “quân” trong nhiều cổ phương, như: Lục vị địa hoàng hoàng hoàn (thục địa, hoài sơn, sơn thù, đơn bì, trạch tả, bạch linh) hay bài Tứ vật (thục địa, bạch thược, đương quy, xuyên khung)...

Bào chế công phu

Trên thị trường, thục địa cũng dược chế biến từ củ sinh địa và cũng có màu dược liệu là đen nhưng độ tin cậy không cao, có nơi dùng rỉ mật mía để tẩm ướp thay vì chế biến theo quy trình công phu mà người xưa gọi là cửu chưng, cửu sái.

Để bốc thuốc cho bệnh nhân, chúng tôi tự mua dược liệu về và chế biến thành thục địa, theo hướng dẫn của tài liệu cổ và kinh nghiệm lâu năm của bản thân. Bởi vì, chất lượng thuốc có ý nghĩa quan trọng, quyết định “thành bại”, hiệu quả điều trị.

Củ địa hoàng khi mua về được rửa sạch, phơi khô. Sau đó, cứ 10kg sinh địa cho thêm 1kg sa nhân, 2kg gừng khô bỏ vào nồi áp suất nấu với nhiệt độ từ 200 - 2200c. Nấu nồi áp suất giúp dược liệu giữ được tinh dầu, hương vị. Sau 12 tiếng, lấy dược liệu ra để nguội, phơi khoảng 2 - 3 ngày cho khô. Dịch còn lại trong nồi được cô bớt rồi thêm một chút rượu, rồi đưa đi ủ vào số thục địa, cho nguyên liệu khô hút dịch này. Sau đó lại đem số thục địa và nước dịch còn lại vào nồi áp suất… Quy trình nấu thuc địa như vậy lặp đi, lặp lại khoảng 4 - 5 lần là được. Lần cuối cùng dược liệu được phơi hoặc sấy khô. Chu trình nấu khoảng 15 ngày cho một mẻ dược liệu, thành phẩm là thục địa màu đen huyền, cứng và dẻo (khi gặp không khí), thơm.

Thục địa qua chế biến như vậy mới trở nên bổ thận, không còn tính nê trệ của sinh địa nữa.

Bài thuốc dùng thục địa

Những bài thuốc của tôi (dựa trên cổ phương và sự nghiên cứu của bản thân trên sách vở cùng kinh nghiệm lâm sàng) dùng chữa các trường hợp vô sinh - hiếm muộn nam, nữ thường có vị thục địa.

Cụ thể bài thuốcbổ thận sinh tinh nam: Thục địa 100g, nhục thung dung 50g, huỳnh tinh 100g, kỷ tử 50g, sinh địa 50g, dâm dương hoắc 50g, hắc táo nhân 40g, quy đầu 50g, cam cúc hoa 30g, cốt toái bổ 40g, xuyên ngưu tất 40g, xuyên tục đoạn 40g, nhân sâm 40g, bắc kỳ 50g, phòng đảng sâm 50g, đỗ trọng 500g, đảng sâm 40g, trần bì 20g, đại táo 30 quả, lộc giác giao 40g.

thuc diaCây địa hoàng

Trong đó: thục địa, nhục thung dung, huỳnh tinh, kỷ tử: bổ thận sinh tinh; lộc nhung, lộc giác giao: bổ mạnh tinh huyết; nhân sâm, đảng sâm, bắc kỳ, đan sâm: bổ khí, tăng cường sức khỏe; đương quy, xuyên khung: dưỡng huyết; sinh địa, táo nhân: dưỡng huyết, an thần. Các vị thuốc khác có tác dụng hỗ trợ bổ thận cường dương, sinh tinh huyết. Bài thuốc này dùng để ngâm rượu uống.

thuc diaThục địa

Bài Lục vị hoàn chữa vô sinh nữ: thục địa 320g, hoài sơn 240g, sơn thù 200g, đơn bì 120g, trạch tả 120g, bạch linh 160g. Thục địa nấu cao pha mật ong; các vị còn lại sấy khô tán mịn, hoàn với mật ong mỗi viên 10g. Ngày uống 4 viên chia sáng chiều. Trong một số trường hợp, tôi có gia giảm một vài vị thuốc khác cho phù hợp.

Tóm lại, vị thuốc thục địa rất quan trọng trong những phương thuốc giúp bổ thận, bổ khí huyết, sinh tinh (nam giới), điều kinh (nữ giới), qua đó giúp người bệnh có thể có con, hồi phục sức khỏe.

BS. NGUYỄN PHÚ L M

((Chủ tịch Hội Đông y Mang Thít, Vĩnh Long))

Dược liệu “bẩn”, sự thật thế nào?

Lâu nay, một số phương tiện thông tin đại chúng nêu vấn đề dược liệu nhập lậu, dược liệu “bẩn”, dược liệu không đủ chất lượng… sự thật như thế nào? Chúng tôi xin có một vài ý kiến phân định để người tiêu dùng biết, an tâm sử dụng.

Trong Đông y thường dùng nguyên liệu làm thuốc là thảo mộc, khoáng vật, động vật nhưng thảo mộc được dùng nhiều hơn cả, trong thảo mộc thường dùng: lá, hoa, quả, hạt, thân cây, rễ cây (củ). Nguyên liệu thu hái về phơi hoặc sấy khô gọi là dược liệu. Khi các thầy thuốc mua dược liệu về bào chế thành phẩm gọi là thuốc Đông y. Các cụ xưa cho rằng thầy thuốc Đông y dùng thuốc hơn nhau ở chỗ bào chế sao tẩm. Bào chế thuốc Đông y mục đích để giảm bớt tính độc của dược liệu (nếu có), tính hàn, tính nhiệt, làm tăng tác dụng của thuốc. Mục đích cuối cùng là đưa thuốc vào đúng vị trí của bệnh, mà nay ta thường gọi là đưa thuốc vào địa chỉ.

Dược liệu thuốc Đông y được bào chế và sao tẩm nhằm giảm bớt độc tính và tăng tác dụng của thuốc.

Ví dụ: Bạch truật sao với hoàng thổ là để đưa thuốc vào tỳ vị để bổ tỳ kiện vị. Nay không có hoàng thổ thì sao với dầu cám, dầu cám có tác dụng bổ tỳ vị, làm giảm bớt tính ráo của bạch truật; Bạch thược dùng sống để bổ âm, sao với giấm để thuốc vào gan, chữa bệnh ở gan, sao với rượu để đưa thuốc vào huyết chữa bệnh ở huyết, có một phần bổ âm huyết; Đương qui dùng sống để hành huyết, thông lợi, sao với rượu để bổ huyết; Viễn chí là vị thuốc an thần nhưng phải bỏ lõi, nếu để cả lõi thì gây ra chứng hồi hộp tim, sao với rượu để đưa thuốc vào tâm (tim), trong Đông y tâm chủ huyết…

Hiện nay, một số bệnh viện y học cổ truyền ở địa phương và một số thầy thuốc Đông y thường không sao tẩm, dùng thuốc sống để chữa bệnh, không những kết quả kém mà có khi phản tác dụng.

Dược liệu nhập từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch tốt xấu thế nào chúng tôi xin nói rõ sau đây: Trung Quốc đưa sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch phần nhiều là dược liệu loại 3 và 4, không có dược liệu loại 1 và 2, còn có thuốc giã, bã thuốc là thứ dược liệu mà họ đã rút hết hoạt chất, còn bã đưa sang bán cho Việt Nam như: đương qui, hoàng kỳ, ba kích, xuyên khung…Gần đây, cơ quan chức năng bắt được một số dược liệu nhập từ Trung Quốc không có nguồn gốc xuất xứ, phóng viên TTXVN có đưa đến 6 vị thuốc nhờ chúng tôi phân biệt thuốc tốt xấu. Bằng mắt thường với kinh nghiệm của một người làm thuốc lâu năm, chúng tôi thấy có hai vị đương qui và cam thảo là chính phẩm, vị đan bì thuốc loại 3, vị xuyên khung và hoàng kỳ là bã thuốc vì họ đã ép lấy hết hoạt chất, vị uy linh tiên thường dùng rễ nhưng họ đã tĩa mất 2/3 rễ, còn lại cái gốc và một ít rễ, loại này khi bào chế chúng tôi thường bỏ đi không dùng. Còn thuốc nhập của Trung Quốc có chất độc hay không thì để cơ quan chức năng trả lời.

Việc xông thuốc bằng diêm sinh có người hỏi có độc hay không? Hàm lượng bao nhiêu là vừa? Không phải vị thuốc nào cũng xông diêm sinh được, vì làm biến chất dược liệu, đổi màu dễ hỏng. Xông diêm sinh trong Đông y cho phép với một số dược liệu như: lá dễ mốc mọt, một số củ có tinh dầu nếu phơi khô thì mất tinh dầu, kém tác dụng như đương qui, ngưu tất, với tỷ lệ 20% cứ 100kg dược liệu thì dùng 20g diêm sinh đốt lên xông khói trong một cái lò bằng đất, chứ không phải tẩm diêm sinh như một số người đồn thổi. Còn địa phương vừa rồi xông diêm sinh hoài sơn (củ mài) là sai qui trình, củ mài chỉ phơi khô dùng sống, không được xông diêm sinh làm đổi màu mất tác dụng.

Theo điều tra của Viện Dược liệu Trung ương có khoảng 3.900 loại cây làm thuốc, các thầy thuốc Đông y ở địa phương mới dùng khoảng 200 cây, Nhà nước mới dùng khoảng 80 cây, còn lại 3.620 cây chưa dùng đến. Tại sao chúng ta không tổ chức khai thác để sử dụng. Thế kỷ thứ 14, Tuệ Tĩnh đã dạy chúng ta “Nam dược trị Nam nhân” có nghĩa là thuốc Nam trị bệnh cho người Việt Nam. Thế kỷ 18, Hải Thượng Lãn Ông đã nói trong bộ sách Hải thượng y Tông Tâm lĩnh “… Như thuốc Nam thì rất tốt, rất nhiều, rất rẻ nhưng không biết dùng để chữa bệnh…”. Thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước, ngành y tế đã có những công ty thu mua thuốc Nam trong nhân dân về chế biến bán ra thị trường cho người tiêu dùng, vừa bảo đảm chất lượng, vừa an toàn. Công ty thuốc Bắc nhập dược liệu từ Trung Quốc theo đường chính ngạch bào chế thành thuốc chín (thuốc Đông y) bán cho các bệnh viện và các thầy thuốc Đông y dùng, đảm bảo chất lượng, chữa bệnh cho nhân dân, bệnh nhân yên tâm sử dụng không phải lo lắng như hiện nay. Nếu hiện nay chúng ta tổ chức những tập đoàn nhập khẩu thuốc Trung Quốc theo đường chính ngạch như năm xưa thì không bị họ bán thuốc kém chất lượng, bã thuốc như hiện nay.

Dược liệu, thuốc Đông y là một nội dung quan trọng trong chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân hiện nay mà Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm. Mỗi chúng ta cần hiểu điều đó để tổ chức thực hiện cho tốt.

TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng

Rễ nhàu khô làm thuốc

Rễ nhàu là bộ phận được dùng làm thuốc nhiều hơn cả trong các bộ phận của cây nhàu. Nhàu thuộc họ cà phê, mọc nhiều ở những vùng ẩm thấp dọc theo bờ sông, suối, mương rạch. Dược liệu là phần rễ của cây nhàu, rửa sạch, thái lát mỏng, phơi hoặc sấy khô. Các bộ phận khác (quả, lá) trị bệnh đường tiêu hóa thường được dùng tươi.

Theo kinh nghiệm dân gian, quả nhàu non có thể thái nhỏ phơi khô, sao vàng nấu nước uống, có tác dụng như rễ nhàu giúp giảm đau, người bị hen suyễn bớt cơn hen, giảm căng thẳng, chữa đau nửa đầu, đau lưng, đau cơ, dưỡng tâm, an thần, thông kinh hoạt huyết. Theo nghiên cứu của y học hiện đại, tinh chất rễ nhàu tăng cường cholesterol tốt và giảm cholesterol xấu, thông thoáng các mạch máu, bền thành mạch, giảm huyết áp... Dùng riêng hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác trong những trường hợp sau:

Chữa nhức đầu, đau nửa đầu: Rễ nhàu 24g, muồng trâu 12g, cối xay 12g, rau má 12g, củ gấu (sao, tẩm) 8g. Sắc uống, chia làm 2 lần trong ngày, uống ấm. Dùng liền 7-10 ngày.

Lá nhàu trị bệnh đường tiêu hóa, quả nhàu non phơi khô làm thuốc.

Trị tăng huyết áp: Rễ nhàu khô: 30g, sắc uống như trà hàng ngày; Có thể sử dụng 2-3 tuần là một liệu trình. Tùy theo chỉ số huyết áp cơ thể (đã hạ), có thể giảm liều 8-12g/ngày.

Chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh: Rễ nhàu 24g, thảo quyết minh (sao thơm) 12g, rau má 8g, thổ phục linh 8g, vỏ bưởi 6g, sinh khương 3g. Sắc uống, chia làm 2 lần trong ngày, uống ấm. Dùng liền 7-10 ngày.

Trị đau nhức xương: Rễ nhàu khô, sao vàng 200g, ngâm với 1.000ml rượu 35 độ, sau 6-8 tuần có thể dùng được. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20ml trước bữa ăn.

Trị chấn thương, huyết ứ, bầm tím: Rễ nhàu 24g, rễ mía dò 10g; củ tầm sét 10g. Sắc uống trong ngày, uống trước bữa ăn. Có thể uống 7- 10 ngày liền đến hết các triệu chứng.

Kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, điều kinh: Quả nhàu chín ăn với muối.

Trị kiết lỵ, mệt mỏi, chóng mặt: Lá nhàu tươi 12g. Lá cỏ sữa 10g, sắc uống.

Chữa mụn nhọt: Lá nhàu tươi, giã nát, đắp lên vết thương.

DS. Mai Thu Thủy

Đậu mắt đen trong phòng chữa bệnh

Các nhà khoa học ở Đại học Michigan nhận định: “nhóm đậu rất giàu dinh dưỡng, có tác dụng tăng cường sức khỏe, là loại thực vật giàu protein duy trì chức năng sống. Đậu giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nan y (tim mạch, đái tháo đường, béo phì, ung thư). Đậu giúp trẻ lâu, do giàu chất oxy hóa khử gốc tự do”. đậu mắt đen còn có những công dụng “kỳ diệu” khác.

Đậu mắt đen còn gọi là đậu trắng nhỏ vì nó trắng và chỉ nhỏ như hạt đậu đen, xanh, đỏ…; khác đậu trắng to tên thuốc là bạch biển đậu. Ở Việt Nam nó còn có tên đậu mắt cua vì ở rốn hạt có chấm đen trông như mắt con cua. Nước ngoài gọi nó là đậu mắt đen (black - eyed pea). Tên khoa học Vigna unguiculata. Subsp V.u.unguiculata, họ đậu Fabaceae.

Đậu mắt đen có nguồn gốc ở Ấn Độ và được trồng rộng rãi ở châu Á sau dó được di thực và trồng rộng rãi ở châu Mỹ (từ thế kỷ 17 đến nay). Đậu mắt đen thường được dùng trong các bữa ăn truyền thống của người da đen ở miền Nam nước Mỹ. Đậu mắt đen làm giàu nitơ cho đất, có giá trị dinh dưỡng cao.

dau mat den

Thành phần dinh dưỡng:

Đậu mắt đen có chứa: calories (160); protein (5,23g); carbohydrate (33,5g); tổng số chất béo (0,63g); chất xơ (8,2g).

Đậu mắt đen còn là nguồn cung cấp giàu canxi (211mg/chén), folate (209mg/chén), và vitamin A (1305 IU).

Sử dụng trong dân gian:

Theo truyền thống vùng miền Nam Mỹ, đậu mắt đen mang lại sự thịnh vượng vào năm mới. Đậu thường được nấu với thịt lợn (thịt hun khói, thịt jăm bông, thịt mỡ sấy khô), hành tây thái hạt lựu, kèm với nước sốt ớt nóng hoặc giấm có chút hạt tiêu.

dau mat den

Hầu hết các loại đậu đều có các thành phần dinh dưỡng giống nhau và vì vậy chúng cùng có những tác dụng kể trên.

Theo các nhà nghiên cứu Michigan, các loại đậu sấy khô sẽ có giá trị dinh dưỡng nhiều nhất và mang lại nhiều lợi ích nhất cho cơ thể, đặc biệt là đậu xanh, đậu đen, đậu trắng (đậu mắt cua).

Các nhà nghiên cứu đưa ra lời khuyên chung là mỗi tuần dùng 3 cốc, nhưng một số kết quả nghiên cứu khác lại cho rằng, chỉ cần 1 cốc mỗi tuần là đủ mang lại những lợi ích tối đa cho sức khỏe.

dau mat den

Ở Việt Nam dùng đậu này nấu chè đậu trắng, xôi đậu trắng với nước dừa, nấu với cơm. Đậu mắt đen (đậu mắt cua) đã được thế giới nghiên cứu rất công phu và sâu sắc về mọi mặt: thực vật học, thành phần hóa học. Năm 1995 đã có cả một luận án tiến sĩ (400 trang) nghiên cứu sâu thành phần hóa học (6 saponin, 2 ancaloit…) của đậu mắt đen (trong luận án cũng đã kể đến kinh nghiệm của Việt Nam). Trong lúc đó ở Việt Nam thì hầu như chưa thấy được quan tâm đến đậu này, ngoài một số cách dùng đơn giản theo kinh nghiệm địa phương và thường là nấu cháo (ở một số tỉnh Tây Bắc) cũng chưa có được nhận xét gì đặc biệt để phát huy tiềm năng của đậu mắt đen theo nguyên lý của Đông y và kết hợp Đông Tây y.

Các loại đậu sấy khô sẽ có giá trị dinh dưỡng nhiều nhất

Đậu mắt đen mới được trọng dụng từ 10 năm nay ở một số địa phương nước ta xuất phát từ kinh nghiệm dùng nó kết hợp với tỏi chữa tăng huyết áp cho kết quả đối với một số thể bệnh tăng huyết áp. Giá bán đậu mắt đen từ đó mà ngày càng tăng cao, có nơi là 5.000 đồng 1 lạng (gấp 5 lần lúc đầu).

Theo sách Đông y: bạch tiểu đậu có hạt giống như hạt xích tiểu đậu, nhưng sắc nó trắng cho nên người ta gọi là “Bạch đậu”, giống đậu này khi nó còn non tươi luộc mà ăn thì ngon và mát. Bạch tiểu đậu khí bình, vị cam, không độc. Bạch tiểu đậu, bổ được 5 tạng, điều hòa được trung nguyên, giúp ích được 12 kinh mạch. So với tư liệu của các loại đậu khác thì tư liệu Đông y nói về đậu trắng nhỏ còn chưa được bao nhiêu.

Ông Tôn Tự Mạc đời Đường nói ở sách “Thiên kim dực” rằng: Bạch đậu có thể sát được quỷ khí. Nó là một thứ thuốc của Thận kinh, cho nên nói rằng khi Thận kinh có bệnh mà dùng nó thì rất tốt.

Các nhà y học Nhật Bản và Trung Hoa bàn về bạch đậu rằng: bạch đậu nó có thể làm cho người ta ấm áp được tràng vị.

- Lá đậu trắng (bạch đậu diệp): dùng nó nấu mà ăn có thể làm cho người ta lợi được 5 tạng, hạ được nghịch khí xuống , lá non của nó dùng cũng tốt. Dùng lá cũng giống như hạt…

Bài thuốc đậu - tỏi chữa cao huyết áp:

Công thức và cách dùng như sau: 100g tỏi ta, 100g đậu trắng (loại đậu màu trắng, mày cũng màu trắng, hạt to hơn hạt đậu đen một chút), 2 lít nước. Tỏi bóc vỏ rửa sạch, đậu vo sạch, cho cả vào 2 lít nước ninh nhừ tới khi còn xâm xấp (còn khoảng 1/8 lượng ban đầu) thì cho vào rây chắt lấy nước uống hết một lần; Có thể ăn luôn cả hạt đậu và tỏi đã nhừ. Mỗi tháng uống 1 lần, người bệnh nặng (huyết áp từ 180/100 trở lên) có thể uống 2 lần/tháng. Nên uống khi nước còn ấm và trước bữa ăn khoảng 1 - 2h cho khỏi ngán khi đến bữa cơm.

BS. PHÓ THUẦN HƯƠNG

Rau đắng trị viêm đường tiêu hóa, tiết niệu

Rau đắng còn có tên là cây xương cá, biển súc (Polygonum aviculare L.), thuộc họ rau răm (Polygonaceae). Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây. Rau đắng chứa tanin, saponin, alcaloid, sesquiterpen, vitamin C… Có tác dụng kháng khuẩn. Theo đông y, biển súc vị đắng, tính bình, vào kinh bàng quang. Có tác dụng lợi thủy, thông lâm, sát trùng, chỉ dưỡng trừ thấp nhiệt, diệt ký sinh trùng. Dùng cho người nhiễm trùng đường tiết niệu và tiêu hóa, ho sốt, mụn nhọt, giun sán, ghẻ lở. Liều dùng: 12 - 63g, biển súc tươi 63 - 125g. Dùng ngoài lượng vừa đủ.

Rau đắng tác dụng lợi thủy thông lâm, sát trùng, trị viêm đường tiết niệu, sốt, mụn nhọt…

Biển súc được dùng làm thuốc trị các chứng bệnh:

Trị thấp nhiệt, đái nhỏ giọt và đục, đái rắt, buồn đái luôn luôn, đái ra máu, trong niệu đạo đau buốt và kết sỏi.

Bài thuốc: biển súc 12g, hạt mã đề 12g, cù mạch 12g, hoạt thạch 20g, quả dành dành 12g, mộc thông 12g, đại hoàng 8g, cam thảo 4g, ruột cây bấc đèn 4g. Sắc uống.

Chữa viêm bàng quang cấp tính: rau đắng 12g, tỳ giải 20g, bồ công anh 20g, sài hồ 12g, hoàng cầm 12g, hoạt thạch 12g, cù mạch 12g, mộc thông 6g. Sắc uống. Nếu tiểu tiện ra máu, thêm sinh địa 12g, chi tử sao đen 12g.

Trị người nóng, đái nhỏ giọt, đái rắt, đau buốt: biển súc 20g sắc uống làm nhiều lần. Hoặc kết hợp với mã đề thảo 12g, thạch vĩ 12g, cam thảo cành 6g, sắc uống.

Trị sỏi niệu đạo: biển súc 16g, thân lá dây thòng bong 63g, mã đề thảo 63g. Sắc uống.

Trị các chứng bệnh viêm ruột cấp tính, lỵ do thấp nhiệt. Với biểu hiện tiêu chảy, tiểu ít, miệng khát, rêu lưỡi vàng: biển súc 16g, xa tiền tử 12g, long nha thảo 20g. Sắc uống.

Trị các chứng bệnh eczema, trùng roi âm đạo: biển súc tươi 400g, thêm 3 lít nước. Đun nước để tắm rửa.

Trị giun móc: biển súc 63g. Sắc đặc, uống 1 lần trong ngày; uống liền trong 3 ngày.

Chữa trẻ em đau bụng giun: rau đắng 40-60g, cỏ nọc rắn 40 – 60g. Sắc uống.

Trị giun đũa chui lên ống mật: biển súc 63g, dấm cũ 200ml, thêm 1 bát nước; đun lấy 1 bát, chia làm 2 lần uống.

Trị đái ra dưỡng chấp: biển súc tươi 125g, thêm 2 - 3 quả trứng gà, vài lát gừng. Sắc uống liên tục trong 20 ngày.

Kiêng kỵ: Người không bị thấp nhiệt, trong người yếu mệt (hư) mà tiểu ít không dùng.

TS. Nguyễn Đức Quang

Nghiên cứu mới về cây chùm ngây

Chùm ngây được xem là một trong những loài cây hữu dụng bậc nhất thế giới, do toàn bộ các phần trên cây này đều có thể được dùng làm thức ăn hoặc phục vụ cho các mục đích khác nhau. Do vậy, chùm ngây đang được khuyến khích trồng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước nghèo.

Cây chùm ngây (Moringa oleifera Lam.) được biết đến và sử dụng từ hàng ngàn năm ở các nước có nền văn minh cổ như Hy Lạp, Ý, Ấn Độ.

Cây chùm ngây là nguồn thức ăn tốt cho trẻ sơ sinh và bà mẹ vừa mới sinh con. Vì thành phần dinh dưỡng trong chùm ngây có chứa một hỗn hợp gồm nhiều hợp chất quý hiếm như: zeatin, quercetin, alpha-sitosterol, caffeoylquinic acid và kaempferol. Một số nguồn nghiên cứu cho biết chùm ngây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng tổng hợp bao gồm 7 loại vitamin, 6 loại khoáng chất, 18 loại axít amin, 46 chất chống oxy hóa, liều lượng lớn các chất chống viêm nhiễm, các chất kháng sinh, kháng độc tố, các chất giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư, u xơ tiền liệt tuyến, giúp ổn định huyết áp, hạ cholesterol, bảo vệ gan.

Lá chùm ngây còn chứa nhiều dưỡng chất hơn cả quả và hoa, tính theo trọng lượng, trong đó vitamin C hơn cam 7 lần, vitamin A hơn cà rốt 2 lần, canxi gấp 14 lần sữa, sắt gấp 9 lần rau chân vịt, đạm nhiều gấp đôi sữa chua và kali gấp 4 lần trái chuối.

chum ngay

Sau đây là một số tác dụng của chùm ngây đã qua các nghiên cứu lâm sàng:

Tăng tiết sữa:

Một thử nghiệm ngẫu nhiên mù đôi, nhóm đối chứng giả dược, dùng chùm ngây để tăng lượng sữa trên phụ nữ sinh non không cho con bú. Thử nghiệm được tiến hành trong 7 ngày với 48 bà mẹ trong độ tuổi từ 18 - 44. Kết quả, sau khi cho uống chùm ngây (250mg dịch chiết lá x 2 lần/ngày) đến ngày thứ 3 có sự gia tăng đáng kể lượng sữa (265 % so với giả dược).

Cải thiện tình trạng hen suyễn:

Một nghiên cứu sơ bộ được tiến hành trên 20 bệnh nhân hen phế quản, trong độ tuổi từ 18 - 44, thuộc cả 2 giới, với liều mỗi ngày là 6 g dịch chiết hạt chùm ngây (3g x 2 lần/ngày) trong 3 tuần liên tục; cho thấy sự cải thiện đáng kể chức năng phổi và giảm hơn một nửa các triệu chứng hen suyễn. Không có nhóm dùng giả dược.

hen suyen

Hạ đường huyết:

Nghiên cứu được công bố vào năm 2011 trong tạp chí Quốc tế y tế và dinh dưỡng, trong đó nhóm nghiên cứu từ Ấn Độ đã cho 68 bệnh nhân đái tháo đường trong độ tuổi từ 30 - 64, thuộc cả 2 giới, uống viên nén làm từ dịch chiết lá chùm ngây trong 3 tháng. Kết quả cho thấy đường huyết sau ăn của nhóm thử nghiệm ban đầu là 210mg/dl giảm xuống còn 191, 174 và 150mg/dl tương ứng sau tháng đầu tiên, thứ hai và thứ ba. HbA1c trong nhóm thử nghiệm ban đầu 7,81% giảm xuống còn 7,4%.

Chùm ngây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng tổng hợp

Trong một số nghiên cứu khác cho thấy cơ chế hạ đường huyết sau ăn của chùm ngây không liên quan đến việc tăng tiết insulin, có thể là do sự ức chế hấp thụ đường ở ruột và khả năng chống oxy hóa. Điều này có lợi cho các bệnh nhân đái tháo đường có đề kháng insulin, giúp bảo tồn tuyến tụy tốt hơn.

Làm ẩm da, giảm nếp nhăn:

Một thử nghiệm trên các tình nguyện viên khỏe mạnh không có bệnh lý về da, thoa kem chiết xuất từ lá chùm ngây 3% (thoa 2 lần mỗi ngày) trong 3 tháng mùa đông. Kết quả, làm gia tăng sự hydrat hóa giúp da không bị mất nước, căng và ít xuất hiện nếp nhăn.

Ngoài ra, còn có hàng loạt các nghiên cứu mới tuy chỉ ở mức trong ống nghiệm và trên mô hình động vật nhưng có kết quả vô cùng khả quan như:

- Chống mất trí nhớ trên mô hình chuột bị bệnh Alzheimer.

- Giảm lo âu, chống stress.

- Giảm kích thước vùng nhồi máu cơ tim trong vòng 7 ngày.

- Kháng virút viêm gan b, làm giảm tải lượng virút hơn 85% và gây độc tế bào ung thư gan Hep G2.

- Giảm bớt tỉ lệ suy thận trong bệnh đái tháo đường.

Ức chế sự phát triển và tiêu diệt các tế bào ung thư cổ tử cung, tuyến tụy, đại tràng…

Quan trọng nhất là cây chùm ngây có tính an toàn cao, rất dễ trồng, phát triển nhanh, cho sản lượng lớn, ngay cả ở những nơi khô hạn.

ThS.BS. NGUYỄN TRƯƠNG MINH THẾ

Quế giúp tăng cường trí nhớ

Nghiên cứu gần đây của Mỹ cho thấy quế có tác dụng tốt cho não bộ, giúp tăng cường trí nhớ.

Quế có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, kháng virus. Những nghiên cứu trước đây cho thấy quế giàu chất chống oxy hóa vì vậy được xem như là thực phẩm giúp làm chậm xuất hiện bệnh Alzheimer.

Nghiên cứu mới cho thấy một hợp chất khác có trong quế đó là natri benzoat có tác dụng tốt cho não bộ. Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí "Le Journal of Neuroimmune Pharmacology" cho thấy rằng quế giúp cải thiện trí nhớ, làm chậm suy giảm nhận thức và điều này không chỉ tốt cho người cao tuổi mà ngay cả giới trẻ.

Các nhà nghiên cứu của Đại học "Rush et du Veterans Affairs Medical Center de Chicago"- Mỹ đã tiến hành nghiên cứu trên chuột. Để đánh giá khả năng ghi nhớ của chuột, họ đã đặt những con chuột vào trong "mê cung" và đầu kia là miếng mồi ngon. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu chia chuột làm 2 nhóm. Nhóm thứ 1 là nhóm chuột tìm đường ra rất nhanh và nhóm thứ 2 phải mất nhiều thời gian để tìm lối ra. Sau đó họ đã bổ sung thêm quế vào thức ăn của nhóm chuột thứ 2 trong thời gian 1 tháng, thử lại thí nghiệm như lần đầu và cho thấy kết quả khả quan hơn.

Khi những con chuột chậm nhất phải mất trung bình khoảng 150 giây để tìm lối ra trong thử nghiệm lần 1 thì trong thử nghiệm thứ 2 chỉ mất khoảng 60 giây và như vậy sau 1 tháng bổ sung thêm quế vào trong khẩu phần ăn, chuột đã mất ít thời gian hơn để tìm lối ra (giảm được 90 giây). Vậy điều gì đã xảy ra? Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích tế bào của não chuột, họ đã nhận thấy rằng chính natri benzoat có trong quế có tác dụng trực tiếp lên vùng hải mã- trung tâm chính của bộ nhớ, ngoài ra còn có tác dụng cải thiện cấu trúc của tế bào.

Tuy nhiên nếu natri benzoat được cho là có hại cho gan khi tiêu thụ lượng lớn thì theo các nhà khoa học đã nhận thấy khá an toàn trong quế và khi được chuyển hóa sẽ nhanh chóng đào thải qua nước tiểu.

Những thử nghiệm ban đầu đã thành công trên chuột nhưng cần phải có những thử nghiệm trên người. Tuy nhiên một điều chắc chắn rằng chỉ cần rắc nhúm quế vào bánh ngọt hay trà, bạn sẽ có thể tiêu thụ một lượng chất chống oxy hóa! Hơn thế nữa quế còn giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, giảm cảm giác mệt mỏi.

Bs Ái Thủy

(Theo Metronews.fr)

Thanh sương tử mát gan, thanh nhiệt

Thanh sương tử còn có tên là thanh tương tử, mào gà trắng, đuôi lươn, dã kê quan, là hạt chín của cây mào gà trắng (Celosia argentea L.),. Thanh sương tử chứa dầu béo, nitrat, kali, acid nicotinic (vitamin PP).

Hạt vị đắng, tính hơi hàn; vào kinh can; có tác dụng thanh can minh mục, sơ phong thanh nhiệt. Làm mát gan sáng mắt. Dùng cho các trường hợp mắt đỏ, đau sưng nề, kéo màng, lở ngứa ngoài da. Hoa vị nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, mát huyết, cầm máu, tiêu viêm. Lá cây thanh sương tử trị viêm phế quản, hen phế quản, viêm dạ dày ruột. Dùng nước sắc để tắm có thể trị mẩn ngứa ngoài da, mề đay, sưng mủ, trĩ xuất huyết. Hằng ngày dùng 10 - 20g dưới dạng nấu, hầm, sắc. Sau đây là một số cách dùng thanh sương tử làm thuốc.

Thanh sương tử là hạt của cây mào gà trắng, tác dụng mát gan, sáng mắt.

Mát gan, sáng mắt: trị chứng can hoả bốc lên làm mắt đỏ sưng đau, mắt có màng, nhìn mờ.

Bài 1: thanh sương tử 12g, tang diệp 12g, cúc hoa 12g, mộc tặc 12g, long đởm thảo 4g. Sắc uống. Trị can hỏa bốc gây đau mắt đỏ, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, váng đầu, nhức đầu…

Bài 2: thanh sương tử 20g, cốc tinh thảo 20g. Sắc uống. Trị mắt kéo màng, nhìn mờ.

Bài 3: thanh sương tử 12g, mật mông hoa 12g, cúc hoa 12g. Sắc uống. Trị viêm màng tiếp hợp cấp tính, mắt đỏ, sợ ánh sáng.

Bài 4: Thanh tương tử: lá dâu, cúc hoa, cỏ tháp bút, mỗi vị 12g; cỏ thanh ngâm 4g. Sắc uống và xông chữa mắt sưng đau, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và đau đầu.

Chữa trĩ ra máu: hạt và hoa mào gà 15g. Sắc uống trong ngày.

Chữa hen phế quản: lá mào gà trắng, lá bồng bồng, lá xương sông, dây tơ hồng (sao), mỗi vị 20g. Sắc uống.

Món ăn thuốc có thanh sương tử

Nước hãm thanh tương tử - đại táo: thanh tương tử 15g, đại táo 30g; hãm nước sôi, uống trước khi ăn. Dùng cho người bị quáng gà, giảm thị lực.

Thanh tương tử hầm gan gà: thanh tương tử 15g, gan gà 1 - 3 bộ, thêm gia vị hầm chín ăn. Món này rất tốt cho người bị đau mắt đỏ do viêm kết giác mạc chảy nước mắt.

Kiêng kỵ: Thanh sương tử thanh nhiệt rất mạnh, có tác dụng giãn đồng tử; người can thận hư và đồng tử giãn rộng kiêng dùng.

BS. Tiểu Lan

Hạt hạnh nhân, dưỡng chất tuyệt vời bảo vệ tim mạch

Cây hạnh nhân (Prunus dulcis, syn. Prunus amygdalus) là một loài cây bản địa từ Trung Đông, Ấn Độ và Bắc Phi.

Quả của hạnh nhân là một quả hạch, bao gồm một vỏ bên ngoài và một lớp vỏ cứng với hạt giống bên trong. Hạnh nhân được bán còn vỏ hoặc chưa bóc vỏ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy hạt hạnh nhân có lợi ích bảo vệ tim mạch, với các lý do sau :

Hạnh nhân hạ LDL-cholesterol máu và giảm nguy cơ bệnh tim

Một thực phẩm giàu chất béo đó là tốt cho sức khỏe của bạn? Hạnh nhân có nhiều chất béo không bão hòa đơn, một loại chất béo tăng cường sức khỏe như được tìm thấy trong dầu ô liu, trong đó có liên quan với giảm nguy cơ bệnh tim. Năm nghiên cứu dịch tễ học lớn, bao gồm the Nurses Health Study, Iowa Health Study, Adventist Health Study và Physicians Health Study, tất cả thấy rằng tiêu thụ hạt hạnh nhân liên quan với giảm nguy cơ đối với bệnh tim.

Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu dữ liệu từ Nurses Health Study ước tính thay thế các loại hạt cho một số lượng tương đương của carbohydrate trong chế độ ăn uống hàng ngày dẫn đến giảm 30% nguy cơ bệnh tim. Các nhà nghiên cứu tính toán thậm chí còn kết luận giảm nguy cơ ấn tượng hơn với 45% khi chất béo lấy từ hạt hạnh nhân thay thế cho các chất béo bão hòa (được tìm thấy chủ yếu trong thịt và các sản phẩm sữa).

hanh nhan, hat hanh nhan, hanh nhan la duong chat tuyet voi bao ve tim mach

Hạnh nhân là dưỡng chất tuyệt vời chống xơ vữa động mạch

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí dinh dưỡng Anh quốc British Journal of Nutrition chỉ ra rằng khi các loại thực phẩm độc lập được biết đến để giảm cholesterol, như hạnh nhân, được kết hợp trong chế độ ăn uống lành mạnh, là một thực phẩm phụ gia có lợi. Trong nghiên cứu của 12 bệnh nhân có mức LDL cholesterol cao, một chế độ ăn uống có chứa hạnh nhân và các loại hạt khác, sterol thực vật (cũng được tìm thấy trong các loại hạt), protein đậu nành và chất xơ hòa tan (với số lượng cao trong các loại đậu, yến mạch, lê) làm giảm nồng độ LDL cholesterol (loại mỡ làm tăng nguy cơ cao nhất đối với bệnh tim mạch) với mức giảm tối đa chỉ sau 2 tuần.

Vitamin E, magiê, kali trong hạnh nhân phòng bệnh tim, ngừa đau tim và chống xơ vữa động mạch

Ngoài tác dụng làm giảm cholesterol, khả năng hạnh nhân làm giảm nguy cơ bệnh tim cũng có thể một phần do tác động chống oxy hóa của vitamin E được tìm thấy trong hạnh nhân, cũng như các tác dụng hạ LDL cholesterol của hạnh nhân (LDL là dạng cholesterol có liên quan đến xơ vữa động mạch và bệnh tim). Khi hạnh nhân được thay thế cho các chất béo truyền thống trong các thử nghiệm chế độ ăn ở người, LDL cholesterol có thể giảm 8-12%.

Ngoài chất béo lành mạnh và vitamin E, 1/4 chén hạnh nhân chứa 62 mg magiê cộng với 162 mg kali.

Magiê là chất “chẹn kênh canxi thiên nhiên”. Khi có đủ magiê, tĩnh mạch và động mạch giãn ra, làm giảm sức đề kháng và cải thiện dòng chảy của máu, oxy và chất dinh dưỡng trong cơ thể. Nghiên cứu cho thấy sự thiếu hụt magiê không chỉ liên quan đến cơn đau tim mà còn làm dễ khởi phát cơn đau tim.

Kali, một chất điện phân quan trọng liên quan đến việc dẫn truyền thần kinh và sự co lại của tất cả các tế bào cơ bao gồm cơ tim, là một chất rất cần thiết cho việc duy trì huyết áp bình thường và chức năng tim.

Hạnh nhân thúc đẩy sức khỏe tim mạch của bạn bằng cách cung cấp 162 mg kali và chỉ có 0,2 mg natri, với cấu trúc này và các tính chất như đã phân tích làm cho hạnh nhân là một sự lựa chọn đặc biệt tốt để bảo vệ chống lại bệnh tăng huyết áp và chống xơ vữa động mạch. Hãy thử dùng hạt hạnh nhân trong chế độ ăn hàng ngày của bạn.

TS.BS. Lê Thanh Hải

(tham khảo Whfoods)

Cây vòi voi có chữa được viêm da cơ địa dễ dàng?

Vợ cháu bị viêm da cơ địa ở tay khá lâu rồi, mỗi khi thay đổi thời tiết tay mẩn ngứa rất khó chịu. Vân tay cũng gần như bị mất. Cháu nghe nói cây vòi voi chữa được bệnh này. Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu. Cháu xin cảm ơn ạ!

Đỗ Văn Thạch (kisithotang@gmail.com)

Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố giáo sư Đỗ Tất Lợi: Cây vòi voi còn gọi là vòi voi, cẩu vĩ trùng, đại vĩ đạo. Sở dĩ có tên vòi voi vì cụm hoa của cây giống hình vòi con voi. Người ta dùng toàn cây, hái về phơi khô hoặc dùng tươi. Vòi voi có 2 tác dụng chủ yếu: cao rượu vòi voi có tác dụng tốt với những trường hợp viêm hay cương tụ huyết chưa làm mủ: đắp cao rượu vòi voi giúp làm dịu đau ngay, bệnh nhân có cảm giác mát dịu, không nhức nhối, đắp trong 3-4 ngày, đắp ướt liên tục. Nếu đã làm mủ rồi, cao rượu vòi voi không có tác dụng làm tan mủ nhưng cũng có tác dụng làm cho mủ không lan rộng hơn và làm bớt sưng tấy. Tác dụng thứ 2 là chữa sưng đầu gối với triệu chứng: mỏi đầu gối sau vài ba ngày thì đỏ và sưng to, sốt nhẹ, đau không đi lại được. Dùng cây tươi chặt thành đoạn nhỏ, giã dập bỏ vào nồi sao với dấm hoặc với rượu, gói vào miếng vải, buộc vào chỗ sưng. Trong nhân dân, vòi voi là vị thuốc chữa tê nhức mụn nhọt, viêm họng mẩn ngứa. Dùng uống trong hay xoa đắp bên ngoài. Ngày uống 15-20g tươi. Tuy nhiên cũng theo sách này thì cây vòi voi có tính độc. Tính độc này thường không thể hiện ngay mà thường xuất hiện một cách âm ỉ, kéo dài, khó phát hiện, vì vậy Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo không nên dùng vòi voi làm thuốc. Bộ Y tế (1985) cũng có chỉ thị thận trọng khi dùng vòi voi chữa bệnh dù chỉ là dùng ngoài để đắp theo y học cổ truyền. Và không thấy nói đến tác dụng điều trị bệnh viêm da cơ địa của vợ bạn.

Cây vòi voi.

Tốt nhất bạn nên đưa vợ đi khám để điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc lương y. Điều quan trọng là người bệnh cần giữ ẩm cho da, tránh tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa, xà phòng... tránh thức ăn mà cơ thể dị ứng vì đó là nguyên nhân làm bệnh tái phát và thêm nặng.

BS. Vũ Lan Anh

Ngọc trúc

Ngọc trúc còn có tên là nữ ủy, là thân rễ phơi hay sấy khô của cây ngọc trúc. Ngọc trúc chứa các glucosid convallamarin và convallarin, sinh tố A và tinh bột, chất nhầy. Theo Đông y, ngọc trúc vị ngọt, tính hơi hàn; vào phế, vị. Có tác dụng tư âm nhuận phế, sinh tân dưỡng vị, trừ phiền chỉ khát. Trị các chứng phế âm hư, vị âm hư, có ho khan do phế táo, sốt, khát, đái dắt, trợ tiêu hoá. Hằng ngày dùng 9 - 20g bằng cách nấu, hầm, xào, nướng.

ngoc trucCây ngọc trúc.

Bài thuốc trị bệnh có ngọc trúc:

Tư âm nhuận phế: Trị các chứng âm hư nội nhiệt, hoặc bệnh nhiệt phạm đến phần âm, sốt ho khan, miệng khô, đau họng.

Bài 1: ngọc trúc 12g, hành sống 3 cây, cát cánh 6g, bạch vị 4g, đậu xị 16g, bạc hà 6g, chích thảo 3g, hồng táo 2 quả. Sắc uống. Trị âm hư, cảm mạo.

Bài 2: Thang ngọc trúc mạch môn đông: ngọc trúc 16g, sa sâm 12g, mạch môn đông 12g, cam thảo 8g. Sắc uống. Trị chứng phổi và dạ dày khô nóng phạm đến phần âm, họng khô, miệng khát.

Sinh tân dưỡng vị: Trị chứng phế vị táo nhiệt (phổi và dạ dày khô nóng), tân dịch khô, miệng khát, dạ dày rất nóng, ăn nhiều chóng đói. Dùng Thang ích vị: sa sâm 16g, sinh địa 20g, ngọc trúc 12g, mạch đông 12g. Sắc uống. Trị sốt cao cuối kỳ còn sốt lai rai, họng khô, miệng khát.

Nhuận phế chỉ khái: Trị chứng phổi khô nóng sinh ho, họng khô, đờm đặc không khạc ra được.

Bài 1: Ngọc trúc 20g, sa sâm 8g, ý dĩ nhân 16g. Sắc uống. Trị ho lao, ho khan, đờm ít.

Bài 2: Thang sa sâm mạch đông: sa sâm 12g, mạch môn 12g, ngọc trúc12g, thiên hoa phấn 12g, tang diệp 12g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị chứng phế vị táo nhiệt, ho khan ít đờm, họng khô, miệng khát. Nếu trong người nóng quá thì thêm địa cốt bì 12g.

Hỗ trợ tim mạch

Bài 1: Ngọc trúc 12g, đương quy 12g, tần cửu 12g, cam thảo 12g. Sắc uống liền trong 1 tuần. Trị thấp tim.

Bài 2: Ngọc trúc 12g, mạch môn 12g, bách hợp 12g, thạch hộc 12g. Sắc uống liền trong 1 tuần. Phòng nhiễm bệnh bạch hầu và viêm cơ tim.

Bài 3: Cao sâm trúc: Đảng sâm 12g, ngọc trúc 20g. Sắc uống. Phòng và điều trị bệnh đau do co thắt mạch vành.

Món ăn thuốc có ngọc trúc:

Nhựa mận vịt ngọc trúc: ngọc trúc 50g, sa sâm 50g, vịt 1 con, hành tây 1 củ, gừng tươi 6g. Vịt làm sạch, cho vào nấu với sa sâm, ngọc trúc, đầu tiên đun to lửa cho chín, sau cho nhỏ lửa tiếp trong 1 giờ cho chín nhừ, lấy nước bỏ bã thuốc, cho gia vị. Thích hợp cho người bệnh thái đáo đường, viêm teo niêm mạc dạ dày, suy nhược, táo bón.

Thịt lợn hầm ngọc trúc: thịt lợn 200g thái lát, ngọc trúc 15 - 30g. Hầm nhừ, bỏ bã thuốc, thêm gia vị. Dùng cho người ho khan dài ngày.

Tim lợn tiềm ngọc trúc: tim lợn 500g, ngọc trúc 50g, gừng tươi 10g, hành sống 10g. Ngọc trúc nấu lấy nước bỏ bã. Cho nước, gừng, hành, ớt tươi và tim lợn vào nồi luộc chín, đổ nước ngọc trúc vào, đun cho tim lợn chín nhừ và nước cạn dần, thêm gia vị muối mắm, đường trắng, bột ngọt, đun tiếp thành nước canh đặc. Thích hợp cho người bệnh mạch vành, đái tháo đường, lao phổi.

Cháo ngọc trúc: ngọc trúc 30g, gạo tẻ 80 - 100g. Ngọc trúc nấu lấy nước bỏ bã, cho gạo nấu cháo, khi ăn thêm đường trắng. Dùng cho người ho khan dài ngày (phế âm hư) hoặc sau sốt cao miệng khô rát họng (vị âm hư).

Thịt dê hầm ngọc trúc: ngọc trúc 20g, thịt dê nạc 200g, gia vị thích hợp, muối vừa đủ, hầm cách thuỷ. Tác dụng bổ huyết dưỡng âm. Tốt cho thời kỳ dưỡng bệnh, người sau đẻ, âm hư huyết hư, suy nhược sút cân, mỏi mệt mất sức.

Kiêng kỵ: người đầy trướng bụng, đàm thấp (ho nhiều đờm, tiêu chảy lỏng lỵ) không dùng. Khi chế biến nấu ăn không dùng đồ sắt (dao, nồi sắt).

Lương y: Thảo Nguyên

Thực hư tác dụng của đông trùng hạ thảo

Sau khi đọc bài báo “Đông trùng hạ thảo biệt dược đắt hơn vàng hay chỉ là cú lừa thế kỷ” đăng trên báo Lao động số 103 ra ngày 6/5/2016. Trích trong tờ điện tử Sina.com (Trung Quốc). Nhiều người đã tá hỏa gọi điện hỏi chúng tôi về sự thật của vị thuốc này.

Theo sách Trung Quốc, đông trùng hạ thảo là một loại nấm sâu (khẩn tòa) có vị ngọt tính ôn vào hai kinh phế và thận, có tác dụng tư âm bổ thận, trị chứng ho ra máu, tự ra mồ hôi, liệt dương, di tinh, sau khi ốm người mệt mỏi, ngày dùng từ 4-12g. Đông trùng hạ thảo được xếp vào nhóm thuốc bổ dương gồm 28 vị, đông trùng hạ thảo được xếp vào hàng thứ 8. Đáng tiếc trong 40 bài thuốc bổ thận tráng dương của các danh y nổi tiếng của Trung Quốc qua các thời đại, không có bài nào dùng đông trùng hạ thảo, phần nhiều dùng lộc nhung, nhân sâm, tắc kè, hải cẩu pín, hải mã, nhục thung dung, tiên linh tỳ kỷ tử... Xuất xứ của đông trùng hạ thảo là từ Tây Tạng Trung Quốc, tất nhiên, ở Tây tạng cũng chỉ một số vùng có khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt mới có loại cây này. Cây này cũng giống như những cây khác mùa hè mọc thành cây thảo mộc, mùa đông lụi cây cành lá còn cái rễ nằm dưới lòng đất như một sợi nấm có hình thù như con sâu, đến mùa xuân mọc lên cây non, dân địa phương hái về ăn, vì hái nhiều quá nên ngày một cạn kiệt, mới trở thành quí hiếm. Chỉ có đất và khí hậu ở một số vùng của Tây Tạng mới có đông trùng hạ thảo, vì khí dương của trời hòa hợp với khí âm của đất ở những vùng đặc biệt mới cho những sản phẩm đặc biệt.

Hiện nay, người ta đang quảng cáo đông trùng hạ thảo được nuôi cấy trong ống nghiệm thì sao? Nuôi cấy trong ống nghiệm dù có những chất gì đi nữa thì không bằng loại tự nhiên vì trong ống nghiệm không có khí trời và khí của đất ở vùng đặc biệt đó. Xin hiểu rằng đông trùng hạ thảo chỉ là một vị thuốc, nếu muốn dùng có hiệu quả phải phối hợp với các vị thuốc khác. Khi chữa bệnh một bài thuốc phải có đầy đủ bốn thành phần: quân, thần, tá, sứ để làm tăng tác dụng của vị chính. Đó là chưa nói đến trên thị trường Việt Nam hiện nay 90% đông trùng hạ thảo là loại không có chất lượng, loại giả.

TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng (nguyên Chủ tịch TW Hội Đông y Việt Nam)

Dây tơ hồng vàng làm thuốc

Dây tơ hồng vàng (thuộc họ bìm bìm) là một loại dây ký sinh trên các cây khác, thân sợi có màu vàng hay nâu nhạt, không có lá. Cây có rễ “mút” để hút các thức ăn từ cây chủ. Hoa ít thấy, hình cầu màu trắng nhạt, gần như không có cuống, tụ thành 10 - 20 hoa một. Bộ phận dùng làm thuốc là dây hoặc hạt (thỏ ty tử) đã được phơi hay sấy khô.

Theo Đông y, hạt tơ hồng có vị ngọt, cay, tính ôn, vào 2 kinh can và thận có tác dụng bổ can thận, tráng dương, ích tinh tủy, mạnh gân cốt, thông tiểu, nhuận tràng, sáng mắt. Hạt tơ hồng được dùng làm thuốc chữa thận hư tinh lạnh, liệt dương, di tinh, gối lưng đau mỏi, đau nhức gân xương, tiểu đục, chống viêm, an thần...

Dây tơ hồng có vị ngọt đắng, tính bình, không độc. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, lợi thủy, giải độc. Dùng chữa thổ huyết, nục huyết, huyết băng, lâm trọc, đới hạ, lỵ tật, hoàng đản, ung nhọt, rôm sảy...

Dây tơ hồng vàng.

Một số bài thuốc từ tơ hồng vàng:

Hỗ trợ điều trị chứng liệt dương: Hạt tơ hồng 12g; lộc giác giao 20g; thục địa, phá cố chỉ, bá tử nhân, phục linh mỗi vị 12g. Làm thành viên, mỗi ngày uống 20 - 30g. 15 ngày là một liệu trình.

Chữa tiểu đêm, di tinh: Hạt tơ hồng 7g, phúc bồn tử 4g, kim anh tử 6g, nước 400ml. Sắc còn 100ml. Lọc bỏ bã. Chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Dùng liên tục 10 ngày một liệu trình.

Tiểu tiện không thông: Dây tơ hồng vàng một nắm, nấu cùng gốc hẹ, lấy nước bôi vào vùng bụng quanh rốn. Dùng 3 - 5 ngày.

Chữa khí hư do thận hư: Hạt tơ hồng 8g; thục địa, hoài sơn mỗi vị 12g; sơn thù, đan bì, phục linh, phụ tử chế, trạch tả, khiếm thực, tang phiêu tiêu mỗi vị 8g; nhục quế 4g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa thận hư không tàng tinh, di tinh: Hạt tơ hồng 8g; thục địa, cao ban long mỗi vị 12g; hoài sơn, kỷ tử, đương quy, đỗ trọng, phụ tử chế mỗi vị 8g; sơn thù 6g; nhục quế 4g. Tất cả tán bột làm viên, uống mỗi ngày 10 - 20g hoặc sắc uống ngày một thang.

Chữa kiết lỵ: Dây tơ hồng vàng (hái toàn cây, cả nụ và hoa) thêm vài lát gừng vào sắc uống (với liều 30g mỗi ngày). Dùng trong 5 ngày.

Phúc bồn tử.

Chữa đau lưng mỏi gối do thận suy yếu: Hạt tơ hồng 12g; cẩn tích, củ mài mỗi vị 20g; bổ cốt toái, tỳ giải, đỗ trọng mỗi vị 16g; rễ gối hạc, rễ cỏ xước, dây đau xương mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang. 10 ngày là một liệu trình.

Thuốc bổ - cố tinh: Hạt tơ hồng 8g, ngũ vị tử 1g, xa tiền tử 1g, khởi tử 8g, phúc bồn tử 4g. Các vị tán nhỏ trộn với mật ong, làm thành viên bằng hạt ngô, mỗi lần uống 4g. 10 ngày là một liệu trình, nghỉ 5 - 7 ngày lại tiếp tục dùng.

Dương suy, di tinh, lưng gối đau nhức, tiểu tiện nhỏ giọt ở đàn ông và bạch đới ở phụ nữ: Dây tơ hồng vàng 9 - 12g sắc với nước, pha thêm chút rượu hoặc đường vào để uống.

Bác sĩ Lê Hoài Nam

Ginkgo Biloba: Hiểu thêm công dụng, tác dụng không mong muốn

Cao lá bạch quả (Ginkgo biloba) được chuẩn hóa chứa 24% flavonoid, 6% ginkgolid biloba (diterpen lacton) và không quá 5 phần triệu axít ginkgolic (viết tắt là EGB).

Nhìn lại dược tính, ứng dụng lâm sàng của EGB

EGB làm tăng chức năng tuần hoàn não, tăng tính chịu đựng của mô não khi thiếu oxy, chống oxy hóa gốc tự do, ổn định màng tế bào nên được coi như là chất bảo vệ thần kinh. EGB còn có yếu tố ngăn cản kích hoạt tiểu cầu nên có tính chống đông máu. Ngoài ra, EGB còn làm thư giãn nội mô gan qua sự ngăn chặn 3-cyclo GMP (guanosid monophosphat), ngăn chặn bớt mật độ nhạy cảm của thụ thể cholin, thụ thể gây tiết epinephrin, kích thích sự hấp thụ cholin ở chân hải mã (hypocampus). EGB cũng ngăn cản việc kết tụ mảng amyloid (nguyên nhân gây bệnh Alzheimer).

Hiệu năng của EGB đã được chứng minh trên các thử nghiệm có đối chứng với giả dược ở người bị thiểu năng tuần hoàn não, bị suy giảm chức năng tuần hoàn chung, bị suy mạch máu ngoại vi, rối loạn thính giác. Do thế, EGB được dùng trong các trường hợp: điều trị thiểu năng tuần hoàn não (với các biểu hiện chính ù tai, chóng mặt, giảm thị lực…); điều trị thiểu năng tuần hoàn não khi chưa xảy ra tai biến mạch máu não nhằm dự phòng từ xa và sau khi đã xảy ra tai biến mạch máu não nhằm dự phòng tái phát tai biến này. Điều trị các triệu chứng đau (do suy tuần hoàn ngoại vi như: đau thắt khi đi ngoài, rối loạn dinh dưỡng), triệu chứng khập khễnh cách hồi, hội chứng Raynaud, chứng nhược dương (phối hợp với papaverin).

- Trong 10 năm gần đây có hàng trăm công trình nghiên cứu lại dược tính, ứng dụng lâm sàng của EGB. Trong số này, có một số đã đưa ra kết luận:

- Mặc dù EGB có tính năng ngăn chặn mảng amyloid nhưng EGB không có lợi ích lâm sàng với người người bị bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ tuổi già do đó thế không dùng EGB cho người Alzheimer nặng (lú lẫn), cũng rất ít khi dùng trong trường hợp Alzheimer nhẹ.

- Trong điều trị chứng khập khễnh cách hồi, tuy EGB có hiệu quả nhưng thấp chỉ có thể có được khi dùng với liều khá cao (240mg/ngày).

- Trong chứng ù tai thấp, EGB hầu như chỉ có hiệu quả với người mới bị ù tai nhẹ do vận mạch.

Nhận biết các tác dụng không mong muốn và khuyến cáo

Các nghiên cứu lâm sàng cũng ghi nhận EGB có các tác dụng không mong muốn: gây nhức đầu, bồn chồn, buồn nôn, tiêu chảy; làm tăng nguy cơ chảy máu (do có yếu tố ngăn cản sự kích hoạt tiểu cầu chống đông máu). Một số trường hợp cá biệt có thể gặp biến chứng nghiêm trọng như: xuất huyết dưới màng cứng, xuất huyết dưới nhện, xuất huyết trong não, xuất huyết tiền phòng mắt (chưa rõ lý do). Chưa có tài liệu nào chứng minh tính an toàn của EGB ở người mang thai.

Theo đó, các nhà nghiên cứu lâm sàng đưa ra một số khuyến cáo:

- Không dùng EGB cho người có rối loạn đông máu. Không nên dùng chung EGB với các thuốc chống đông máu (warparin, heparin) hay các thuốc ngăn ngừa sự tập kết tiểu cầu (aspirin, dipiridanol, ticlopidin),với dược thảo đặc biệt có có chứa coumarin (fefeverfew, tỏi, sâm, clover đỏ) vì các phối hợp này sẽ tăng tính chống đông máu của EGB và các chất các thảo dược chống đông khác, làm tăng sự chảy máu.

- Nên ngừng dùng EGB trong 36 giờ hay tốt nhất là 14 ngày trước khi phẫu thuật (nhằm tránh nguy cơ tăng chảy máu).

- Không dùng chung EGB với thuốc chống động kinh như: carbamazepin, valproic axít vì EGB làm giảm hiệu lực thuốc chống động kinh.

- Tai biến mạch máu não có hai loại, một loại là chảy máu não do vỡ mạch, một loại là nhũn não do huyết khối làm tắc nghẽn mạch. EGB được chọn dùng trong trường hợp tai biến mạch máu não loại nhũn não mà không dùng trong trường hợp tai biến mạch máu não do chảy máu não (do EGB làm tăng tính chảy máu).

- Không nên dùng chung EGB với tradone vì có thể bị hôn mê (mới gặp một số trường hợp nhưng chưa giải thích được lý do).

- Không nên dùng cho người có thai vì chưa chứng minh được tính an toàn.

Kết luận

Người xưa dùng lá Ginkgo biloba có hiệu quả, an toàn. Do đó khi chiết ra EGB người ta tin cậy hoàn toàn vào kinh nghiệm đó. Các tài liệu trước đây ghi nhiều công dụng, không ghi tác dụng không mong muốn nào. Ngày nay, những nghiên cứu dược tính ứng dụng lâm sàng cho thấy EGB chỉ thực sự có công dụng trong một số trường hợp nhất định, đồng thời cũng chỉ ra những tác dụng không mong muốn mà trước đây chưa đề cập đến. Biết thêm những điều này để dùng EGB cho hợp lý.

DS.CKII. BÙI VĂN UY

Hạt dưa hấu giúp kiểm soát bệnh tiểu đường

Dưa hấu với công dụng thanh nhiệt giải thử, trừ phiền chỉ khát, lợi tiểu tiện và được coi là thứ quả có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa tựa như cổ phương trứ danh Bạch hổ thang. Thông thường, người ta chỉ dùng ruột của quả dưa hấu mà không biết rằng hạt của nó cũng có giá trị tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh tật.

Kết quả nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, cứ trong mỗi 100g hạt dưa hấu có chứa 10g protid, 11g lipid, 4g glucid, cung cấp 160 calo. Điều đặc biệt là loại hạt này chứa nhiều acid béo không bão hòa như acid linoleic, giàu acid amin thiết yếu như tryptophan, acid glutamic, lysine, arginine...; các loại vitamin như vitamin B1, B2, B6, B12, E, PP..., nhất là vitamin B3 (trong một lon hạt dưa có chứa 3,8mg niacin, tức 19% hàm lượng cần thiết trong ngày, có chức năng duy trì hoạt động của hệ thần kinh, hệ tiêu hóa và sức khỏe của da; các nguyên tố vi lượng như Ca, Fe, P, Se, Mg... và các hoạt chất như lycopen có lợi cho đời sống tình dục, cucurbecitrin có tác dụng hạ huyết áp và chống viêm bàng quang... Bởi vậy, hạt dưa hấu có khá nhiều công dụng: bổ dưỡng cơ thể do thành phần dinh dưỡng khá phong phú, đặc biệt là giàu đạm và các vitamin; có lợi cho tim mạch, giúp hạ huyết áp, giảm cholesterol máu, ngăn ngừa tích cực tình trạng vữa xơ động mạch do có nhiều vitamin nhóm B, magiê và acid linleic; hỗ trợ tiêu hóa, phòng ngừa chứng táo bón do chứa nhiều chất xơ; giúp tăng cường trí nhớ, nâng cao chức năng não - thần kinh, nhanh chóng phục hồi sức hoạt động của tế bào não; giúp ổn định men gan và lượng lipid huyết thanh rất có ích cho người bị viêm gan và những người bị rối loạn lipid máu; cải thiện đời sống tình dục. Với hàm lượng lycopen và vitamin cao, hạt dưa hấu rất tốt cho đời sống tình dục. Chúng làm tăng khả năng sinh sản ở nam giới, duy trì hoạt động của hệ thần kinh và tăng cường sự bền bỉ trong dương sự;...

Ngoài tác dụng kiểm soát tiểu đường, hạt dưa hấu còn giúp chữa chứng hoa mắt, chóng mặt.

Theo dược học cổ truyền phương Đông, hạt dưa hấu vị ngọt, tính mát khi chưa rang chín và tính bình sau khi đã rang, có công dụng thanh phế nhuận tràng, hòa trung chỉ khát, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như:

Ho khạc nhiều đờm: dùng hạt dưa hấu bóc vỏ ăn sống hoặc lấy 20g hạt sắ́c lấy nước uống

Ho kéo dài: dùng hạt dưa hấu giã nát 15g, lạc nhân 15g, hoa hồng 1,5g, đường phèn 30g, sắc lấy nước uống và ăn lạc nhân.

Làm giảm ho: lấy hạt dưa hấu 20g sắc đặc để uống, mỗi ngày 2 lần.

Huyễn vựng, đầu thống (tăng huyết áp): dùng hạt dưa hấu ăn sống hoặc sau khi rang chín lúc bụng đói.

Đa kinh (kinh nguyệt quá nhiều): dùng nhân hạt dưa hấu 9g nghiền vụn chiêu uống với nước ấm mỗi ngày 2 lần.

Thổ huyết (nôn ra máu): dùng 50g hạt dưa hấu tươi sắc lấy nước uống.

Viêm bàng quang cấp tính: dùng 40g hạt dưa hấu sắc uống... Ngoài ra, hạt dưa hấu còn được dùng để hỗ trợ tiêu hóa và bổ dưỡng cơ thể.

Hỗ trợ trị liệu phì đại tiền liệt tuyến lành tính: Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí European Journal cho thấy lợi ích của hạt dưa hấu trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt. Có thể dùng bằng cách đổ hai muỗng canh bột hạt dưa hấu khô trong nửa lít nước sôi, để khoảng nửa giờ và sử dụng thường xuyên để hỗ trợ điều trị căn bệnh này.

Giúp kiểm soát bệnh tiểu đường: Người ta thường dùng trà hạt dưa hấu bằng cách hãm 2-3 muỗng cà phê hạt dưa hấu trong 2-3 cốc nước trong khoảng 30-45 phút. Loại trà này có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu và bệnh tiểu đường.

Giúp giải độc cơ thể: dùng trà hạt dưa hấu và uống 3 ly mỗi ngày để giúp thanh lọc cơ thể và tăng cường sức khỏe.

Chống phù nề: trộn 1 muỗng cà phê bột hạt dưa hấu với mật ong, chế thêm một chút nước lọc, quấy đều rồi uống, mỗi ngày 2 lần.

ThS. Hoàng Khánh Toàn

Kim ngân

Kim ngân còn có tên khác là nhẫn đông, kim ngân hoa là nụ hoa của cây nhẫn đông (Lonicera japonica Thunb.). Nhẫn đông đằng là dây leo của cây nhẫn đông (hay gọi là kim ngân dây). Công dụng của nhẫn đông đằng giống kim ngân hoa nhưng kém hơn; có tác dụng trừ phong nhiệt ở kinh lạc mà giảm đau. Kim ngân hoa sao đen gọi là kim ngân hoa khôi, có tác dụng lương huyết, cầm đi lỵ, trị xích lỵ, đại tiện ra máu. Kim ngân có các flavonoid: luteolin, lonicerin; tannoid và chất sáp... Vị ngọt, tính lạnh; vào phế, vị, tâm, tỳ, đại tràng nên kim ngân có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ lỵ. Dùng cho các trường hợp nhiễm khuẩn, virut gây bệnh cấp tính sốt nóng, viêm khí phế quản, đau rát họng, ho, miệng khô họng khát, hội chứng kiết lỵ, mụn nhọt lở ngứa, phát ban.

Giải độc trị nhọt:

Bài 1: kim ngân hoa 20g, cam thảo 20g. Sắc uống.

Bài 2: kim ngân hoa tươi, giã nát, chế với rượu, đắp xung quanh chỗ đau. Trị mọi chứng ung thũng nhọt độc.

Bài 3: kim ngân hoa (hoặc kim ngân dây) 12g, cúc hoa 2g, bồ công anh 12g, sinh cam thảo 4g. Sắc uống. Trị mụn nhọt sưng đau.

Tán nhiệt giải biểu: Dùng cho chứng nhiệt mới mắc phát sốt.

Bài 1: Ngân kiều tán: kim ngân hoa 16g, liên kiều 12g, cát cánh 8g, bạc hà 4g, trúc diệp 12g, cam thảo 4g, kinh giới tuệ 8g, ngưu bàng tử 12g, đậu nhự 8g. Sắc uống. Tác dụng tân lương giải biểu, thanh nhiệt giải độc. Trị các bệnh thuộc nhiệt, ớn lạnh phát sốt, yết hầu sưng đau hoặc viêm tuyến mang tai cấp tính.

Kim ngân hoa 20g, bồ công anh 20g, hạ khô thảo 20g. Sắc uống. Phòng viêm màng não.

Bài 2: Ngân hoa bạc hà ẩm: kim ngân hoa 30g, bạc hà 10g, lô căn tươi 60g. Trước tiên sắc lô căn và kim ngân khoảng 15 phút, cho tiếp bạc hà đun thêm trong 3 phút. Đem lọc lấy nước pha thêm đường cho uống. Dùng cho trường hợp cảm nhiệt, sốt nóng, thời kỳ đầu của nhiễm virut như sốt xuất huyết, phát ban, sốt sưng hạch...

Bài 3: Nước chè kim ngân hoa cúc: kim ngân hoa, cúc hoa, liều lượng bằng nhau 10 - 12g. Pha hãm uống thay chè. Dùng cho các trường hợp cảm nắng (say nắng, say nóng), nổi ban mẩn ngứa dị ứng.

Bài 4: Kim ngân hoa ẩm: kim ngân hoa 30g sắc lấy nước, cho thêm đường tùy ý, đun sôi lại, chia uống 3 lần trong ngày. Dùng cho bệnh nhân có hội chứng lỵ cấp có sốt nóng, đầy bụng, nôn, đại tiện xuất huyết, đau quặn bụng.

Bài 5: Cháo hạt sen kim ngân: kim ngân hoa 30g, gạo tẻ 60g, hạt sen 30g. Kim ngân nấu sắc lấy nước đem nấu cháo với gạo và hạt sen. Khi cháo được thêm chút đường hoặc muối. Dùng cho các trường hợp tiêu chảy cấp, lỵ cấp, mụn nhọt cấp tính, các bệnh siêu vi cấp sốt nóng, sưng hạch phát ban.

Liều dùng cách dùng: 8 - 125g bằng cách nấu, sắc, hãm.

TS. Nguyễn Đức Quang

Giải mã Lan Gấm bí ẩn

Đối với các bệnh tim mạch, các nhà khoa học Nhật Bản cũng chứng minh tác dụng dược lý của Lan Gấm qua các bằng sáng chế số 7–76522 và 6–2936...